Cập nhật: 01/03/2016 13:38
Ngày 17/02/2016, tại Tp. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng đã diễn ra Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện đề án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phát triển sản xuất vùng biển, ven biển tỉnh Sóc Trăng đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020” do UBND tỉnh Sóc Trăng chủ trì thực hiện.
Tham dự hội nghị có ông Phạm Quốc Việt – Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế, ông Võ Minh Chiến – Phó Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng, Viện Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, UBND các huyện thuộc tỉnh Sóc Trăng và các ban ngành có liên quan.
Tại Hội nghị, ông Phạm Quốc Việt – Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế, đại diện Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đã có một số phát biểu chỉ đạo: một trong những nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế đất nước là phát triển kinh tế biển, trong đó Sóc Trăng là một vùng có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế biển, kinh tế biển vùng ĐBSCL phải được gắn với xây dựng phát triển kinh tế xã hội của đất nước, gắn với chủ quyền của quốc gia, phù hợp với bảo vệ môi trường, nguồn tài nguyên, gắn với phát triển kinh tế biển và hải đảo.
Hội nghị đã sơ kết kết quả bước đầu 5 năm thực hiện đề án, trong đó có các đề tài, dự án liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp đã được nghiệm thu như:
- Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất củ hành tím an toàn tại huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng” đã hình thành vùng sản xuất hành tím an toàn 400 ha tại 2 Hợp tác xã và 3 câu lạc bộ IPM trong huyện, đến nay đã được các doanh nghiệp và nông dân trên địa bàn huyện nhân rộng ra và đạt tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích 1.834,65 ha.
- Dự án “Xây dựng mô hình nuôi và chế biến trứng bào xác artemia tại huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng” và dự án “Xây dựng mô hình và phổ biến quy trình nuôi artemia thâm canh trên ruộng muối huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng” đã xây dựng được mô hình nuôi artemia thâm canh với quy mô 2,8 ha, năng suất bình quân đạt 151,8 kg trứng bào xác tươi/ha/vụ, đầu tư xây dựng xưởng chế biến trứng bào xác artemia, công suất: 30 – 45 kg trứng bào xác tươi/ngày, tương đương với 6.000 – 7.000 kg trứng bào xác tươi/vụ/năm. Bên cạnh đó, nhãn hiệu “Artemia Vĩnh Châu” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu vào năm 2012. Hiện nay trứng bào xác Artemia Vĩnh Châu đã được tiêu thụ ở thị trường nước ngoài như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc với sản lượng bình quân 3.000 – 4.000kg trứng bào xác artemia khô/năm, ngoài ra đã được bán trực tuyến thông qua website: http://artemiavinhchau.vn, sản lượng bình quân 100 – 150 kg trứng bào xác artemia khô/năm.
- Đề tài “Phòng trừ rầy đầu vàng hại mía bằng nấm ký sinh tại tỉnh Sóc Trăng” đã xây dựng được quy trình sản xuất chế phẩm nấm xanh Metarhizium anisopliae quy mô nông hộ để phòng trừ rầy đầu vàng hại mía và là cơ sở để tiếp tục triển khai dự án “Ứng dụng chế phẩm nấm xanh (Metarhizium anisopliae) phòng trừ rầy đầu vàng trên mía” với diện tích 96 ha.
- Đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học và đề xuất giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm phát triển bền vững huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng” đã đánh giá được hệ sinh thái khu vực ven biển huyện Cù Lao Dung và đề xuất một số giải pháp như: tập trung và cải tạo nâng cấp tiến tới hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng hệ thống thủy lợi; tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh, chất lượng, hiệu quả, và quai đê lấn biển nhằm tạo thêm quỹ đất cho phát triển kinh tế của huyện; ….
Để thực hiện giai đoạn 2016 - 2020 của đề án, tỉnh Sóc Trăng tiếp tục tăng cường nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao các tiến bộ KH&CN vào sản xuất như: đẩy mạnh việc canh tác các giống cây trồng có giá trị kinh tế, phù hợp với điều kiện vùng ven biển của tỉnh; ứng dụng công nghệ sinh học để tuyển chọn, bảo vệ các vật nuôi, giống cây trồng có giá trị kinh tế, chịu ngập, mặn nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển nuôi thủy sản theo hướng đa dạng, tập trung cho mô hình nuôi công nghiệp gắn với xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong khai thác, bảo quản, chế biến thủy hải sản nhằm nâng cao chất lượng, sự canh tranh của sản phẩm trên thị trường;…
Võ Thị Ngọc Thanh
Trung tâm Tập huấn và Chuyển giao CNNN vùng ĐBSCL
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét